Khá lâu, dễ chừng gần 20 năm, mới có một buổi gặp nhau giữa thế hệ tị nạn và thế hệ trẻ tới Nhật định cư gần đây tại vùng Kansai.
Thế hệ già, tạm gọi là như thế đối với những anh chị mở đường cho một đời sống xa lạ trên xứ Nhật. Xin được trích lại tâm tình của Nguyễn Huy trong ngày hội ngộ 18/12 (chủ nhật) tuần qua.
LỄ RA MẮT CHI HỘI KANSAI NPO HIỆP HỘI NGƯỜI VIỆT TẠI NHẬT
Những năm đầu thập niên 80, số người Việt định cư tại vùng Kansai vẫn còn khá ít ỏi so với Tokyo. Hầu như sau khi ra trại, mọi người chọn thành phố Himeji để định cư, một số ít lên Osaka và Kobe.
Năm 1983, Hiệp hội Người Việt tại Nhật, sau khi thấy cộng đồng người Việt tại Osaka hình thành, đã đề nghị các anh em trẻ thiết lập văn phòng chi hội Kansai dưới sự điều hành của một cựu du học sinh năng nổ, anh Ng. Đ. Cẩm. Tôi mới tới Nhật 3 năm, nhưng được anh chọn làm người phụ tá, bị anh “dụ dỗ” nghỉ hãng để đi học và trực văn phòng cùng với anh.
May mắn chi phí văn phòng và sinh hoạt phí của tôi được Hội Liên đới người Tị nạn Đông Dương phụ đảm. Nhờ thế tôi có thì giờ để đi khắp nơi trong vùng Kansai giúp đỡ những trường hợp cần thông dịch như đi gia hạn visa, thủ tục nhập trường cho con cái, bệnh viện v.v… Ngoài ra cùng với các thành viên Hiệp Hội, chúng tôi tổ chức các chương trình mừng Hội xuân (Tết Dương lịch); Giao lưu Việt Nhật (Tết Ta); Lễ Ghi ơn Quốc Tổ; Trại Hè, Trung Thu; mở lớp Việt ngữ ở các chung cư đông người Việt Nam cho các em… Hoạt động xuyên suốt trong một năm.
Hơn một thập niên từ giữa 80 đến cuối 90, Chi hội Kansai của Hiệp hội Người Việt hiện hữu trong lòng cộng đồng người Việt Nam đã phát triển khá lớn. Himeji lúc đó có 6.000 người, khu vực Kobe 3.000 và Osaka khoảng 2.000 người.
Tuy nhiên, sự giúp đỡ của Hội Liên Đới cũng tới lúc giới hạn do sự ra đi vĩnh viễn của ông tổng thư ký Yata Akira, ân nhân lớn của Hiệp hội. Văn phòng phải đóng cửa và người viết cũng phải đi tìm việc làm ổn định cho cuộc sống của một gia đình. Các hoạt động của Hiệp hội trong cộng đồng từ từ mờ nhạt và chỉ khởi sắc gần đây sau các loạt hoạt động như cứu trợ mùa dịch, biểu tình chống Trung Quốc xâm phạm chủ quyền, mở lớp luyện thi tiếng Nhật JLPT, họp mặt giao lưu thế hệ v.v.. với sự cộng tác của các anh em trẻ từ Việt Nam sang sau này.
Nhận thấy nhu cầu cần có một tổ chức để gắn kết sinh hoạt cộng đồng và giúp đỡ những bạn mới qua, ý tưởng tái lập lại chị hội Kansai của Hiệp hội đã được những anh em có lòng bàn thảo”…
Và hôm 18 tháng 12 vừa qua, tại khuôn viên Nhà Hy Vọng của Hội Bạn Hữu Việt Nam tọa lạc ở thành phố Kobe; những con người thuộc nhiều lứa tuổi từ 20 đến 70 đã hội tụ để thành lập Ban Chấp Hành gồm 7 người. Chi hội trưởng là anh Nguyễn Minh Tuyến, tới Nhật 32 năm, hiện đang là Giám đốc một công ty thương mại. Chi hội phó cùng Ủy viên thường vụ là một kỹ sư thế hệ trẻ, trong khi thế hệ già gồm tổng giám đốc công ty gia công cơ khí và chuyên viên tư vấn lao động, visa Ng Huy.
Năm tới Chi hội sẽ từng bước đi vào các hoạt động cụ thể nhằm cải thiện cái nhìn của người bản xứ về cộng đồng người Việt, không chỉ là người tị nạn trước đây mà còn bao gồm số đông thành phần lao động, du học, gia đình. Trước mắt mở 1 lớp Việt Ngữ tại Hikone, tổ chức buổi tư vấn Visa, hỗ trợ lao động, kỷ niệm Giỗ tổ Hùng Vương và Trại hè 2023.
Chương trình ra mắt đã được kết thúc với món bánh canh chả cá Nha Trang, chè đậu ván… thật ngon do gia đình của một hội viên BCH đã cất công nấu đem tới.
Hẹn gặp lại nhau.
NGUYỄN HUY
