Hàng năm tôi vẫn hướng về ngày Giỗ tổ Hùng Vương như một tâm niệm mình vẫn là người Việt Nam dù đã lưu lạc 2/3 đời người trên xứ người.
Thời thanh xuân, tôi và những anh em trẻ tham gia tổ chức ngày lễ này dưới hình thức một buổi lễ trang trọng và sau đó là chương trình văn nghệ đậm đà bản sắc quê hương.
Tuy nhiên bẵng đi 23 năm, bị cuốn hút vào công việc và sinh hoạt gia đình, tôi không còn dịp góp mặt cho đến khi người anh Nguyễn Mỹ Tuấn, Hội phó NPO Hiệp hội Người Việt tại Nhật ra đi vĩnh viễn ngay trước thời điểm chuẩn bị cho buổi lễ thì tôi được một người đàn anh khác gọi lên Tokyo để chung tay cùng thế hệ trẻ tổ chức ngày lễ mà tôi sẽ đảm nhiệm MC cho chương trình văn nghệ.
Vác lỉnh kỉnh thiết bị âm thanh, tôi thượng Kinh. Hội quán Ota Sangyo PiO ngay ga Kamata rộng rãi, tôi gặp lại những anh em ngày xưa, nhiều nếp nhăn hơn nhưng vẫn đầy năng lượng cùng với các gương mặt rất trẻ năng động. Phần chuẩn bị diễn ra nhanh gọn để vào buổi lễ đúng giờ 13:30. Hơn 100 quan khách có mặt, con số khích lệ sau 3 năm cả nước hạn chế lễ hội do dịch corona.
MC Thùy Linh duyên dáng trong tà áo dài giới thiệu chương trình sau tiếng trống nhạc hào hùng. Ông Ngô Văn Viễn, Tổng thư ký Hiệp hội lên phát biểu về ý nghĩa buổi lễ và các hoạt động Hiệp hội trong thời gian qua. Sau đó văn tế Quốc tổ được cất lên tha thiết với những lời ghi công dựng nước, hào khí ngút trời với những chiến công dựng nước. Ba vị bô lão tiến lên bàn thờ tổ dâng hương. Không khí thật trang nghiêm như hồn tổ quốc ngay đâu đây, ở trên một xứ sở xa xôi vạn dặm. Kế tiếp là nghi lễ tưởng niệm vị Hội phó Hiệp hội Nguyễn Mỹ Tuấn đã qua đời ngày 13 tháng 3 năm 2023. Nhìn tấm ảnh chân dung của ông lung linh với nụ cười hiền hòa khiến ai cũng có cảm tưởng dường như ông vẫn đang hiện diện cùng với mọi người như những lần tổ chức trước.
Hai vị khách Nhật là ông Yamazaki, Tổng thư ký Hội liên đới và ông Kawaue, Tổng thư ký Pháp nhân công ích Giáo dục Phúc lợi Á châu đã lên phát biểu cảm tưởng về ngày lễ. Đặc biệt ông Kawaue từng là lãnh sự tại Việt Nam đã có phần mở đầu bằng tiếng Việt trôi chảy. Cảm tạ hai giáo sư Hasebe và Tsuchida (Đại học Meijigakuin, Đại học Komazawa) cũng như những vị khách quí đã đồng hành với Hiệp hội suốt 40 năm qua.
Sau phần tiệc trà, là phần văn nghệ với chủ đề: Mẹ gọi ta về. Đặc biệt nhóm thanh nhạc của thầy Lê Hồng Quang từ Hoa Kỳ sang tham quan xứ Phù Tang đúng thời điểm này nên Hiệp hội đã mời tới trình diễn cho ngày lễ Giỗ tổ. Rất may mắn thầy nhận lời. Và tôi có dịp để trở lại sân khấu Tokyo để là người giới thiệu xuyên suốt chương trình cùng cô Thùy Linh.
Cùng 8 ca viên, thầy Lê Hồng Quang đã đưa người nghe trở về không khí của một thủa thanh bình đầy ắp hình ảnh bà mẹ Việt Nam và sự hy sinh vô bờ của người phụ nữ Việt qua một số đoản khúc trong trường ca Mẹ Việt Nam và Con đường cái quan. Giọng ca mượt mà, kỹ thuật của thầy cùng nhóm bè phụ họa đã khiến khán giả ngồi trong căn phòng bồi hồi với những cảnh vật nông thôn thời trước, những Quê nghèo, Bà mẹ quê, Về đây nghe em, Nương chiều, Nhớ người đi xa, Tình hoài hương và cùng Huyền Trân Công Chúa đi lại con đường của Nước non ngàn dặm từ thủa ra đi…
Chị Huệ Lê trong nhóm thanh nhạc, xuất thân là người tị nạn đến Nhật Bản những năm cuối 80 và sang Hoa Kỳ định cư đã gởi tới một nhạc phẩm của ca sĩ Duy Khánh, “Lối về đất mẹ”, được thầy Quang đệm piano làm thổn thức người nghe về tình tự những người trai thời nội chiến. “Mẹ ơi chỉ còn đất mẹ mà thôi”… Cám ơn chị đã đưa đoàn của thầy đến với quê hương thứ hai của chị. Cám ơn Thầy Lê Hồng Quang và tất cả các chị ca viên.
Cũng không thể nhắc đến những giọng ca ngọt ngào từng góp mặt trong các buổi văn nghệ giỗ tổ cách đây 20 năm, đó là chị em Tuyết Hương, Tuyết Phụng và người bạn Tuyết Nhung… cùng với 2 bạn trẻ Anh Đức và Gia Lễ, đã làm không khí trẻ trung hơn với những ca khúc mới. Thể hiện sự tiếp nối giữa các thế hệ trong sinh hoạt bảo tồn văn hóa cộng đồng.
Cuối cùng chung khúc Việt Nam Việt Nam của nhạc sĩ Phạm Duy được toàn thể mọi người cất lên với các anh chị em nghệ sĩ, đã khiến cho chúng ta cảm được đất nước Việt Nam sẽ có một ngày trở thành đất nước đúng như lời bài hát, đúng như ý nguyện giữ nước của cha ông.
Tôi mong rằng tinh thần và những ân tình của ngày hôm nay sẽ còn được giữ mãi và tiếp nối.