Giới thiệu logo mới của NPO Hiệp Hội Người Việt tại Nhật

Kính thưa quý đồng hương,
Ngày 12 tháng 2 năm 1983, Hiệp Hội Người Việt Tại Nhật ra đời với nhiệm vụ trước mắt vào thời điểm đó là bảo vệ quyền lợi cũng như giúp đỡ cộng đồng người tị nạn hội nhập cuộc sống tại Nhật Bản.
Hơn 40 năm qua, Hiệp Hội đã cố gắng làm tròn nhiệm vụ của mình, giúp cho rất nhiều quý đồng hương ổn định cuộc sống và hơn thế nữa đã có những đóng góp cống hiến không nhỏ vào xã hội Nhật Bản.
Ngày nay, trước làn sóng du học sinh, thực tập sinh kỹ năng ngày càng gia tăng, thông qua đại hội vào năm ngoái, Hiệp Hội đã thay đổi đường lối hoạt động để phù hợp với tình hình hiện tại, trở thành điểm tựa cho thế hệ người Việt mới trong tinh thần xóa bỏ phân biệt, chấp nhận sự đa dạng của mọi thành viên để tăng cường kết nối.
Và để thể hiện đường lối hoạt động mới nhằm tăng cường sức mạnh đoàn kết trong cộng đồng, vào đầu năm nay, ban chấp hành Hiệp Hội nhiệm kỳ 2023-2026 đã quyết định thay đổi logo được sử dụng từ năm 1983 tới nay bằng một logo mới như bên dưới đây.
“ Hình ảnh chim Lạc , linh vật của Việt Nam dang rộng cánh thể hiện khát vọng mạnh mẽ, chí khí của dân tộc Việt Nam vượt qua mọi sóng gió thử thách.
Chim Lạc dang rộng cánh, chở trên người là sứ mệnh của Hiệp Hội Người Việt Tại Nhật đó là luôn đồng hành, giúp đỡ các đồng hương cùng vượt qua khó khăn, sóng gió.
Màu vàng phía sau chim Lạc tượng trưng cho màu da vàng của dân tộc Việt Nam và cũng mang ý nghĩa của ấm áp như ánh nắng mặt trời và hạnh phúc. Sắc vàng cũng thể hiện niềm vui, sức sống mạnh mẽ và nhiệt huyết của các bạn trẻ khi đồng hành cùng Hiệp Hội”

Kính thưa quý bà con cô bác,
Trên đôi cánh thiêng liêng của chim Lạc, chúng tôi hy vọng rằng logo mới sẽ ngày càng được phổ biến, đồng cảm theo từng thông điệp có trong các hoạt động của Hiệp Hội Người Việt Tại Nhật.
Chúng tôi cũng ước mong rằng, mỗi quý đồng hương ngay sau khi nhận biết logo mới này sẽ mau chóng trở thành những sứ giả đầu tiên mang hình ảnh và ý nghĩa của logo mới đến với nhiều người hơn trong cộng đồng Việt Nam cũng như Nhật Bản. Xin thành thật cảm ơn quý bà con cô bác.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *